Quy trình ốp lát gạch
- 15-10-2021
- Lượt xem: 334
Quy trình ốp lát gạch
Ốp lát nền nhà, nhà vệ sinh hay mặt tiền hoặc 1 mảng tường nào đó là một hạng mục rất quan trọng trong nhà bởi vì nó thể hiện ngay ra ngoài bề mặt, thẩm mĩ của ngôi nhà. Ốp lát mạch gạch đều nhau, mặt nền phẳng sẽ thể hiện ngay đó là ngôi nhà đẳng cấp, chủ nhà là một người cẩn thận chăm chút cho chính ngôi nhà của mình. Sau đây, tôi sẽ chia sẻ quy trình ốp lát gạch để từ đó bạn hiểu và có thể kiểm soát được chất lượng cũng như thẩm mỹ khi thợ thi công hạng mục này nhé.
Lát nền một công việc quan trọng quyết định đến thẩm mĩ ngôi nhà
Để ốp lát tạo ra sản phẩm đẹp thì phải thi công đúng kỹ thuật, đúng thiết kế. Bao gồm chuẩn bị mặt bằng, chuẩn bị vật liệu, ốp lát đúng kỹ thuật, hoàn thiện dọn dẹp vệ sinh sản phẩm.
Công đoạn chuẩn bị
– Xử lý bề mặt nền, trước khi ốp lát:
+ Làm bằng phẳng và cân bằng mặt nền, tường ( Nên xử lý các vật liệu chống thấm trước khi thi công)
+ Cần phải kiểm tra bề mặt nền, tường trước khi ốp lát gạch vì nếu không kiểm tra bề mặt không được phẳng và sạch sẽ gây nên các tác hại như:
* Keo dán gạch hoặc xi măng sẽ bám không tốt vào cốt nền
* Gây tác hại chịu lực hoặc tạo nên sự tiếp xúc không tốt giữa gạch và cốt nền
+ Chuẩn bị keo dán gạch hoặc hồ dầu (xi măng pha loãng) để dán gạch.
Công đoạn ốp lát
+ Gạch ốp lát là vật liệu rất cứng vậy nên giòn và dễ vỡ khi va chạm nên yêu cầu kỹ thuật viên phải nhẹ nhàng, cẩn thận tránh va chạm.
+ Khe hở nhỏ nhất cho phép giữa các viên gạch nhỏ hơn 1mm khi thi công
+ Cần tạo ra bề mặt ốp lát gạch hợp lý khi thi công, bởi vì trong lúc thi công mà chúng ta có giai đoạn nghỉ mà bề mặt ốp lát còn dư thì sẽ bị ảnh hưởng hoặc dễ tạo ra sự khác biệt về bề mặt ốp lát tiếp theo. Chính vì thế cần phải đảm bảo thi công ốp lát liên tục trên cùng mặt phẳng.
+ Sử dụng các ke vuông để điều chỉnh các khe hở của các viên gạch.+ Mọi hiệu chỉnh bề mặt về độ phẳng hay vị trí các viên gạch phải thực hiện ngay sau khi đặt các viên. Tránh trường hợp khi đã khô nền và gạch đã cố định trên cốt tiến hành điều chỉnh vị trí, nên phải kiểm tra bề mặt ốp lát ngay khi thi công.
+ Luôn luôn dùng búa cao su để điều chỉnh khi thi công. Gạch ốp lát là sản phẩm nung, vậy nên luôn luôn có dung sai (sai lệch kích thước, độ phẳng..), tuy nhiên sai lệch trên nằm trong pham vi tiêu chuẩn, cho nên khi ốp lát người thợ thi công nên điều chỉnh độ phẳng, kích thước theo quy luật bù trừ.
Một số lưu ý trong ốp lát
+ Sau khi ốp lát xong, để cho bề mặt ổn định từ 2 ÷ 4 ngày, sau đó sẽ rút ke và vệ sinh bằng máy hút bụi các khe hở giữa các viên gạch trước khi trét mạch bằng keo hoặc xi măng trắng.
+ Phải để cự ly 8 mm giữa gạch và tường (cho nền).
+ Trước khi trét mạch phải đảm bảo các khe hở sạch: dùng bay mỏng và quạt hút bụi để hút sạch các vật liệu nằm trong khe.
+ Sau khi trét mạch xong, sau 24 giờ mới có thể đi lại trên bề mặt lát. Do công trình còn phải hoàn thiện thi công các phần việc bổ sung nên sau khi lát phải bảo vệ bề mặt gạch cẩn thận và phủ bằng các loại tấm bìa caton.
* Thêm một chú ý nữa là ốp gạch chân tường bạn nên ốp âm vào tường nhé, lí do rất đơn giản là để tránh bám bụi bẩn nhưng để làm được điều này thì bạn phải yêu cầu thợ xây khi trát tường phải để lại chân tường khoảng 15 cm không trát (không trát phần này) để khi ốp âm không phải tiến hành đục chân tường, đỡ mất công nhé, cái này nhỏ nhưng không phải ai cũng để ý đâu.
Trên đây là những kiến thức cơ bản giúp bạn hiểu về công tác ốp lát, bạn đọc kĩ nhé, nếu có điều gì không hiểu bạn có thể email lại cho tôi sẽ tư vấn và giải đáp thêm nhé.
Nếu bạn thấy hữu ích thì hãy chuyển tiếp email này đến những người bạn của bạn mà họ đang quan tâm đến vấn đề này nhé.
Cảm ơn bạn! Chúc bạn và gia đình xây dựng được ngôi nhà như ý.